Bạn có dự định đi nước ngoài để định cư, làm việc hoặc du lịch nhưng trớ trêu lại dính phải nợ xấu FE. Bạn đang lo lắng rằng: “Nợ xấu FE có đi nước ngoài được không?”; “Cách nào giúp xóa nợ xấu FE để đi nước ngoài?”. Tất cả sẽ được giải đáp ở bài viết dưới đây. Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Nợ xấu là gì?
Nợ xấu là khoản nợ mà người vay thanh toán trễ hơn 30 ngày so với hợp đồng vay. Đồng thời lịch sử tín dụng của bạn sẽ bị cập nhật thành “nợ xấu” trên hệ thống CIC (Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc Gia). Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc xin visa, mua trả góp hay vay tiền ở ngân hàng khác.
Vay FE có phải là tín dụng đen?
FE (hay FE Credit) là một công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất tại Việt Nam, thuộc Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC. FE có các sản phẩm và dịch vụ điển hình như: vay tiêu dùng cá nhân, vay mua xe máy hay mua hàng gia dụng trả góp, thẻ tín dụng…
FE được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép hoạt động từ 2015, vì vậy FE không phải là tín dụng đen. Khi vay FE, bạn không cần phải thế chấp tài sản. Tuy nhiên, lãi suất vay khá cao (thường từ 21%-55%/năm tùy hợp đồng) so với các hình thức vay truyền thống, vì vậy bạn cần cân nhắc và đọc kỹ hợp đồng, điều khoản trước khi quyết định vay.
Lưu ý: Nếu đến kì thanh toán nhưng khách hàng trễ nợ, nhân viên FE sẽ nhắc đòi nợ liên tục và có phần căng thẳng. Đồng thời nếu khách hàng nợ lâu không trả, FE sẽ tiến hành khởi kiện ra Tòa án.
Nợ xấu FE có đi nước ngoài được không?
Điều này phụ thuộc vào việc bạn có nằm trong trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh hay không? Vậy những trường hợp nào sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh (theo pháp luật Việt Nam), hãy cùng upkynang tìm hiểu ở phần bên dưới.
9 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh (theo pháp luật Việt Nam)
Theo Điều 36 – Luật số 49/2019/QH14 – Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, công dân Việt Nam thuộc các trường hợp sau sẽ không được xuất cảnh:
- Người đang bị truy cứu hình sự, bị tố giác hoặc bị kiến nghị khởi tố vì nghi ngờ liên quan đến hành vi phạm pháp, có dấu hiệu bỏ trốn hay tiêu hủy chứng cứ.
- Người đang thi hành án, bị quản chế hoặc đang trong thời gian thử thách (hưởng án treo, cải tạo không giam giữ hoặc tạm hoãn thi hành án).
- Người liên quan đến các vụ kiện dân sự (tức là người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ kiện dân sự đang diễn ra như tranh chấp hợp đồng, ly hôn, chia tài sản…)
- Người chưa thi hành án dân sự, vẫn đang trong quá trình thực hiện bồi thường, nợ án phí hoặc khoản tiền khác theo bản án đã có hiệu lực.
- Người chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, phí với nhà nước hoặc đang bị cưỡng chế về thuế, đặc biệt là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp nợ thuế.
- Người đang bị cưỡng chế xử phạt hành chính có dấu hiệu trốn tránh trách nhiệm.
- Đối tượng bị thanh tra, kiểm tra có liên quan đến hành vi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng và có nguy cơ bỏ trốn.
- Người đang mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
- Người gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hoặc quốc phòng.
Việc tạm hoãn xuất cảnh chỉ mang tính chất tạm thời và có thời hạn. Biện pháp này sẽ được gỡ bỏ khi cơ quan chức năng đã hoàn tất quá trình điều tra hoặc bạn đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định (thi hành án, nộp thuế, xử phạt…), hoặc khi không còn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Vậy nợ xấu FE có đi nước ngoài được không? Nếu FE đã tiến hành khởi kiện bạn ra tòa án, tức bạn đang liên quan đến vụ kiện dân sự, bạn sẽ không thể đi nước ngoài vì bạn nằm trong trường hợp số 4 của Luật tạm hoãn xuất cảnh đối với công dân Việt Nam. Còn nếu bạn chưa rơi vào diện đang trong quá trình thi hành án dân sự và không thuộc 9 trường hợp nêu trên, bạn có thể tiến hành tất toán nợ và đi nước ngoài được.
5 nhóm nợ tín dụng cần biết khi vay ngân hàng
Nợ tín dụng sẽ phân thành 5 nhóm nợ (theo quy định rõ trong Thông tư số 11/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước):
Nhóm nợ 1: Nợ đủ tiêu chuẩn
Chưa được phân loại vào “nợ xấu”. Là khoản nợ an toàn bởi khách hàng có đầy đủ khả năng để trả cả gốc và lãi đúng thời hạn theo hợp đồng.
Thời gian trễ nợ không quá 10 ngày. Khách hàng vẫn có thể tiếp tục vay vốn ở các ngân hàng khác (theo mức độ phù hợp với quy định của từng ngân hàng)
Nhóm nợ 2: Nợ cần chú ý
Mặc dù chưa phải là là nợ xấu nhưng đã có dấu hiệu rủi ro, sẽ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu.
Thời gian trễ nợ từ 10 ngày đến 90 ngày. Ngân hàng vẫn có thể tạo điều kiện để cho khách hàng tiếp tục vay vốn (phù hợp theo quy định). Nếu bạn trễ nợ từ 30 ngày trở lên, đã bắt đầu xem là nợ xấu cấp độ nhẹ và ảnh hưởng đến điểm tín dụng.
Nhóm nợ 3: Nợ dưới tiêu chuẩn (được tính vào cấp độ nợ xấu)
Đây được biết là nợ xấu cấp độ 1, lịch sử tín dụng sẽ bị cập nhật trên CIC kể từ cấp độ này.
Thời gian trễ nợ từ hơn 90 ngày đến 180 ngày. Khoản nợ này mặc dù đã được cơ cấu lại thời hạn lần đầu nhưng vẫn bị trễ hạn dưới 30 ngày. Ở mức độ này, người vay sẽ khó khăn hơn trong việc tiếp tục vay vốn ở ngân hàng khác.
Nhóm nợ 4: Nợ nghi ngờ
Đây là khoản nợ đáng báo động bởi thời gian trễ nợ đã từ hơn 180 ngày đến 360 ngày. Đây là nợ xấu cấp độ 2, kể từ lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khách hàng đã trễ quá 30 ngày trở lên.
Tất nhiên, khách hàng sẽ không thể vay thêm bất kỳ khoản nào khác (trừ trường hợp hoàn thành tất toán khoản nợ và phần lãi, phí trả nợ trễ còn lại).
Nhóm nợ 5: Nợ có khả năng mất vốn
Thời gian trễ nợ đã hơn 360 ngày. Đây là khoản nợ mà các bên cho vay đau đầu nhất bởi khả năng thu hồi vốn gốc và lãi chỉ còn là “giấc mơ”. Dù đã nhắn tin, gọi điện cảnh báo và cơ cấu lại nhiều lần nhưng vẫn không trả được nợ. Đây là mức nợ xấu cao và nghiêm trọng nhất. Bạn sẽ bị từ chối vay nợ từ các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính.
Vì vậy, trước khi vay vốn bạn cần xác định khả năng trả nợ của mình để tránh rơi vào nợ xấu, điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lịch sử tín dụng và việc xét duyệt tín dụng ở lần vay tiếp theo.
“Xù nợ” FE có bị sao không?
Có lẽ đây là quyết định táo bạo khi bạn nghĩ đến việc “xù nợ” FE. Quỵt nợ thì dễ nhưng bạn có từng nghĩ đến hậu quả của nó chưa? Dưới đây là những ảnh hưởng và hậu quả nghiêm trọng bạn cần chú ý nếu đang có ý định “xù nợ” FE.
Cuộc sống của người vay bị đảo lộn
Bạn nghĩ mình sẽ ăn ngon ngủ yên khi quyết định “xù nợ” FE. Bởi trước khi cho vay, FE đã nắm toàn bộ thông tin của bạn, từ số điện thoại cá nhân, địa chỉ làm việc và thông tin cá nhân của người thân hay bạn bè. Vì vậy, nhân viên FE sẽ bắt đầu nhắn tin, gọi điện nếu bạn có dấu hiệu trễ nợ hay trốn nợ.
Hằng ngày, FE nhắn tin hay gọi điện nhắc nợ khiến bạn stress. Nếu bạn có ý định không bắt máy hoặc chặn số, nhân viên sẽ liên lạc qua Zalo rồi làm phiền tới người thân, công ty của bạn. Vì vậy, hãy có trách nhiệm trả nợ đúng hạn nếu bạn không muốn trường hợp này xảy ra.
Lịch sử nợ xấu bị cập nhật trên hệ thống CIC
Sau hơn 90 ngày trễ nợ hay sau lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu, thực tế là chỉ sau hơn 30 ngày trễ nợ, bạn sẽ bị phân loại vào nợ xấu – tương đương với mức độ 1. Lịch sử nợ xấu của bạn cũng bị cập nhật trên hệ thống CIC. Điều này sẽ gây khó khăn đến việc tạo hồ sơ tín dụng mới nếu bạn đang muốn vay thêm ở một ngân hàng khác hoặc tổ chức tài chính (trừ trường hợp vay ở các tín dụng đen).
Người nợ xấu bị truy cứu hình sự
FE sẽ tiến hành khởi kiện đến Tòa án nếu bạn có dấu hiệu “xù nợ” hoặc sau nhiều lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhưng bạn vẫn không trả. Bởi FE được cấp phép hoạt động bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có giấy tờ pháp lý đầy đủ và lưu giữ hợp đồng vay có chữ ký xác nhận của khách hàng.
Bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có dấu hiệu sau:
- Có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi cố tình cung cấp sai thông tin cá nhân để vay vốn.
- Có khả năng trả nợ nhưng cố tình trốn nợ.
Tùy vào số tiền chiếm đoạt và tính chất của vụ việc, mức án thấp nhất là 6 tháng, và cao nhất là 20 năm hoặc tù chung thân (theo Điều 174 và 175 của bộ Luật Hình sự 2015).
Đa phần FE vẫn có thể nương tay nếu người vay chịu hợp tác trả nợ dần và có thiện chí giải quyết. Ngược lại, nếu có dấu hiệu trốn nợ, lừa đảo, khả năng bị khởi tố hình sự là rất cao.
Hướng dẫn xóa nợ xấu FE để đi nước ngoài
Vậy có cách nào giúp xóa nợ xấu FE để đi nước ngoài không? Đừng lo lắng, upkynang xin hướng dẫn bạn từng bước xóa nợ xấu để được cấp phép đi nước ngoài.
Kiểm tra bạn đang thuộc nhóm nợ bao nhiêu?
Đây là bước kiểm tra mức độ nợ xấu của bạn thông qua CIC (Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia) – nơi lưu trữ lịch sử tín dụng của bạn.
Truy cập vào website cic.gov.vn. Tiến hành đăng ký tài khoản và tra cứu lịch sử tín dụng tại mục “KHAI THÁC BÁO CÁO”. Từ đó, xác định xem mình đang ở cấp độ nào của nợ xấu.
- Nếu khoản nợ thuộc nhóm 1-2: chưa bị coi là nợ xấu, vẫn còn cơ hội để xử lý hồ sơ đi nước ngoài.
- Nếu khoản nợ đang nằm ở nhóm 3-5 , tức là đang có nợ xấu chính thức. Có thể bị tạm hoãn xuất cảnh nếu liên quan đến cưỡng chế thi hành án.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng app CIC Credit Connect để tra cứu lịch sử tín dụng của mình. Hoặc đến ngân hàng nơi bạn mở tài khoản và nhờ tra cứu điểm tín dụng.
Tất toán toàn bộ khoản nợ FE
Đây là điều bắt buộc và cũng là cách duy nhất nếu bạn muốn xóa nợ xấu. Hãy thực hiện theo các bước sau:
- Liên hệ FE Credit qua tổng đài 1900.234.588 để kiểm tra dư nợ còn lại. Bởi sau thời gian trễ nợ, ngoài khoản vốn gốc và lãi suất, bạn phải trả thêm phí phạt trả trễ (theo hợp đồng đã ký kết).
- Sau đó, tiến hành đặt lịch để thanh toán toàn bộ khoản nợ.
Lưu ý, bạn cần yêu cầu FE cung cấp biên lai thanh toán cũng như xác nhận bạn đã hoàn tất nghĩa vụ trả nợ.
Nếu FE đã tiến hành khởi kiện án dân sự, bạn cần làm theo 2 bước sau:
- Làm việc trực tiếp với Chi cục thi hành án.
- Tất toán khoản vay và xin xác nhận từ cơ quan thi hành án.
Gửi yêu cầu xác nhận đã thanh toán
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ thanh toán, bạn cần viết đơn hoặc email gửi FE yêu cầu xác nhận đã tất toán toàn bộ khoản nợ.
Đây là bằng chứng quan trọng trong việc xuất trình hồ sơ cho Đại sứ quán (xin visa) hoặc Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Trong trường hợp bạn có ý định vay ở ngân hàng hoặc công ty tài chính khác, điều này cũng giúp bạn có tài liệu chứng minh để khởi tạo hồ sơ vay nợ mới dễ dàng hơn.
Kiểm tra CIC đã cập nhật lịch sử khoản vay chưa?
Sau khi tất toán, FE sẽ chuyển tình trạng khoản vay từ “nợ xấu” thành “đã thanh toán”. Tuy nhiên, lịch sử nợ xấu vẫn bị lưu lại trong thời hạn 5 năm. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể đi nước ngoài nếu đã hoàn tất thanh toán khoản vay và không nằm trong diện thi hành án dân sự cũng như thuộc các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh.
Một số cách hỗ trợ khác (nếu không đủ tiền tất toán)
Còn trường hợp bạn không đủ tài chính để hoàn tất nghĩa vụ trả nợ, bạn có thể:
- Vay tiền từ người thân, bạn bè hoặc ngân hàng khác để trả nợ FE.
- Thế chấp tài sản (số đỏ, sổ hồng, xe, nhà, sổ tiết kiệm…) để được xét hồ sơ đi nước ngoài. Trong thời gian thế chấp này, bạn cần tranh thủ chuẩn bị tài chính trả nợ để tránh trường hợp bị tịch thu tài sản để xử lý nợ.
- Ủy quyền cho người khác trả nợ, người này có thể là người thân như vợ chồng, bố mẹ, con cái… Tuy nhiên cần được sự đồng ý của người được ủy quyền và FE.
Ngoài ra, bạn cũng có thể lương lượng lại với FE để cơ cấu lại khoản vay và thời gian trả nợ. Xin miễn giảm một phần phí phạt (tùy vào trường hợp và mức độ vay nợ).
Trên đây, là toàn bộ hướng dẫn giúp bạn xóa nợ FE để đi nước ngoài. Và khi dính phải nợ xấu FE, bạn cần chủ động trong việc tất toán khoản nợ càng sớm càng tốt. Điều này không chỉ giúp bạn không bị tạm hoãn xuất cảnh, mà còn giúp khôi phục lại uy tín tín dụng và tạo điều kiện cho việc tạo hồ sơ vay vốn sau này.
Sau khi tất toán nợ xấu FE, có được vay ngân hàng khác không?
Bạn vẫn được tiếp tục vay ở ngân hàng khác sau khi tất toán nợ xấu, nhưng sẽ khó khăn hơn trong bước đầu khởi tạo hồ sơ. Bởi sau khi tất toán khoản nợ xấu FE, lịch sử tín dụng nợ xấu của bạn vẫn còn trên CIC, thời hạn lưu trữ thông tin nợ xấu tùy vào mức độ nợ của bạn.
Mặc dù không bị cấm vay ở ngân hàng sau khi tất toán nợ xấu FE, nhưng nếu bạn có lịch sử tín dụng xấu, bạn sẽ bị ảnh hưởng hoặc bị từ chối hồ sơ vay ở lần vay vốn tiếp theo.
Để tăng cơ hội vay lại, bạn cần duy trì một lịch sử tín dụng tốt bằng cách trả nợ đúng hạn hoặc chờ đủ thời gian để CIC xóa vết đen nợ xấu.
Bao lâu thì CIC xóa lịch sử nợ xấu?
Đây cũng là điều mà nhiều người quan tâm. Thời gian xóa lịch sử nợ xấu trên CIC sẽ chia thành 2 trường hợp:
- Trường hợp 1: Nếu bạn chỉ nợ ở mức độ 2 (nợ cần chú ý), CIC sẽ lưu thông tin trong thời hạn 1 năm. Sau khoảng thời gian này, bạn có thể tiếp tục vay vốn nếu không phát sinh thêm khoản nợ mới.
- Trường hợp 2: Nếu bạn thuộc nợ xấu nhóm 3, 4 hoặc 5, CIC sẽ lưu lịch sử nợ xấu trong 5 năm kể từ ngày tất toán khoản vay.
Cách kiểm tra nợ xấu trên CIC tại nhà
Việc kiểm tra thường xuyên thông tin tín dụng giúp bạn kiểm soát lịch sử tín dụng và phát hiện kịp thời các khoản nợ quá hạn ảnh hưởng đến việc vay vốn khi cần hoặc xin visa. Bạn có thể tự kiểm tra lịch sử nợ xấu của mình hoàn toàn miễn phí tại nhà thông qua CIC.
Kiểm tra nợ xấu qua website CIC
Bước 1: Truy cập trang web chính thức của CIC – cic.gov.vn
Bước 2: Đăng kí tài khoản.
Điền các thông tin cá nhân như CMND/CCCD, số điện thoại, địa chỉ cá nhân.
Chụp ảnh mặt trước và mặt sau của CCCD; ảnh chân dung kèm CCCD.
Bước 3: Đăng nhập và tra cứu thông tin tín dụng.
Vào mục “Khai thác báo cáo”, chọn “Thông tin tín dụng”.
Bạn sẽ xem được thông tin khoản vay, tình trạng thanh toán và có bị ghi nhận nợ xấu hay không.
Kiểm tra nợ xấu qua ứng dụng CIC Credit Connect (trên điện thoại)
Bước 1: Tải app “CIC Credit Connect” (có cả trên CH Play và App Store).
Bước 2: Đăng ký tài khoản và xác minh thông tin đăng kí theo hướng dẫn.
Bước 3: Tra cứu lịch sử tín dụng (nhóm nợ, thời gian trả chậm, số tiền còn nợ).
Mỗi tài khoản cá nhân được tra cứu lịch sử tín dụng (miễn phí) tối đa 12 lần/năm (tức 1 lần/tháng). Nếu bạn tra cứu hơn số lần miễn phí, cần trả một khoản phí để sử dụng thêm dịch vụ. Và tài khoản tra cứu bắt buộc là tài khoản đã xác thực danh tính.
Những lưu ý khi vay tín dụng để không bị rơi vào nợ xấu
Đừng để phải hối hận khi bị rơi vào tình trạng nợ xấu. Hãy là một người vay thông minh – hiểu rõ các điều khoản hợp đồng vay, chủ động quản lý tài chính và uy tín trong việc trả nợ:
- Xác định được khả năng trả nợ theo thu nhập cá nhân.
- Nắm kỹ và hiểu rõ lãi suất, các khoản phí phải trả trong hợp đồng.
- Cần trả nợ đúng hạn, bạn có thể đặt lịch nhắc thanh toán để không quên ngày trả. Các bên cho vay cũng sẽ nhắc nhở thanh toán trước kì hạn trả nợ từ 7-10 ngày, bạn có thể kiểm tra ở phần tin nhắn điện thoại hoặc Zalo.
- Tránh vay nhiều khoản vay cùng một lúc vì khiến bạn dễ mất kiểm soát hoặc vỡ kế hoạch tài chính.
- Không vay các khoản vay “chui”, vay nóng, vay không hợp đồng để tránh các hậu quả khó lường về sau.
- Kiểm tra lịch sử tín dụng định kỳ thông qua CIC.
- Thương lượng lại với bên cho vay nếu gặp phải khó khăn tài chính để giãn nợ hay cơ cấu lại khoản vay.
FAQs – Giải đáp một số thắc mắc khi nợ xấu FE
Nợ xấu FE có vay ngân hàng được không?
Bạn vẫn có thể tiếp tục vay ngân hàng nếu bạn đã tất toán các khoản nợ xấu cho FE. Một số ngân hàng có thể từ chối hồ sơ vay do lịch sử tín dụng nợ xấu của bạn đã được lưu trên CIC (mặc dù đã tất toán khoản nợ).
Để hồ sơ vay mới được duyệt nhanh hơn, chờ CIC xóa lịch sử nợ xấu (theo thời hạn qui định) rồi tiến hành vay nợ mới. Đồng thời trong thời gian này bạn cần giữ lịch sử tài chính sạch bằng cách dùng tài khoản ngân hàng đều đặn và không phát sinh nợ mới.
Nợ xấu FE có mua trả góp được không?
Câu trả lời là sẽ rất khó khăn hoặc không được xét duyệt mua trả góp khi dính phải nợ xấu FE. Nếu được trả góp, bạn có thể bị yêu cầu trả trước cao hơn và các bên cho vay cũng sẽ xét duyệt kỹ hơn. Nếu nợ thuộc nhóm 3 trở lên thì khả năng duyệt rất thấp.
Nợ xấu FE có xin việc được không?
Bạn có thể xin việc ở các ngành nghề như bán hàng, nhà hàng – khách sạn, công nhân, marketing… nếu đang nợ xấu FE. Bởi các công ty không kiểm tra lịch sử tín dụng khi tuyển dụng.
Tuy nhiên, đối với một số ngành nghề đòi hỏi uy tín và liên quan đến tài chính như ngân hàng, kế toán – kiểm toán, một số công ty tập đoàn lớn sẽ loại ngay hồ sơ của bạn nếu bạn có lịch sử nợ xấu. Ngay cả khi bạn đã tất toán khoản vay.
Nợ xấu FE có làm passport được không?
Nhiều người nhầm lẫn giữa passport và visa là một, nhưng thực ra, passport và visa là hai loại giấy tờ hoàn toàn khác nhau. Passport (hộ chiếu) là giấy tờ do Việt Nam cấp, xác nhận bạn là công dân Việt Nam. Còn Visa (thị thực) là giấy tờ do quốc gia mà bạn muốn đến cấp, cho phép bạn nhập cảnh vào quốc gia đó.
Và bạn vẫn có thể làm passport bình thường dù đang có nợ xấu FE. Việc cấp hộ chiếu thuộc quản lý của Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an, không phụ thuộc vào lịch sử tín dụng.
Nợ xấu FE có xin visa được không?
Đây là câu hỏi mà nhiều người quan tâm, đặc biệt đối với ai có những ý định du học, du lịch, lao động hay định cư nước ngoài. Vẫn có thể xin được visa khi có nợ xấu nhưng không dễ.
Nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Canada,.. sẽ xét duyệt rất kỹ về hồ sơ tài chính, thu nhập và tài sản của người xin cấp visa. Bởi tài chính là điều kiện hàng đầu để đánh giá bạn có được cấp visa hay không. Nếu bạn đang có nợ xấu FE, đặc biệt đối với nhóm nợ 3-5, bạn có thể bị từ chối visa do nghi ngờ khả năng trốn nợ hay ở lại bất hợp pháp.
Một số đối tượng dễ bị rớt visa vì các lý do sau:
- Không chứng minh được tài chính, thu nhập rõ ràng.
- Không có công việc ổn định.
- Mắc phải các kiện tụng, cưỡng chế hay thi hành án vì nợ.
- Bị tạm hoãn xuất cảnh theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền.
Một số việc giúp bạn tăng khả năng được cấp visa như:
- Bạn giải quyết xong khoản nợ và có giấy xác nhận đã tất toán.
- Cải thiện lịch sử tài chính tốt trong thời gian trở lại đây.
- Có công việc ổn định, thu nhập rõ ràng, tài sản có giá trị cao.
- Hồ sơ visa được chuẩn bị kỹ càng, chuyên nghiệp cũng là một điểm cộng khi xin visa.
Kết luận
Nợ xấu FE có đi nước ngoài được không? Làm thế nào xóa nợ FE để đi nước ngoài? Nợ xấu FE có bị sao không?… tất cả đã được upkynang giải đáp chi tiết ở trên. Nợ xấu ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của bạn, đặc biệt đối với các trường hợp có ý định đi nước ngoài. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng bạn trả nợ đúng hạn để có một lịch sử tín dụng tốt, điều này là bước đệm vững chắc cho việc xin visa đi nước ngoài hay các mục đích vay vốn sau này.
Tham khảo thêm: