Nợ Xấu Trên CIC Là Gì? Cách Xóa Nợ Xấu Trên CIC Mới Nhất 2025

Nợ xấu luôn là vấn đề mà người đi vay quan tâm hàng đầu bởi chỉ cần một vết nợ xấu trên CIC cũng khiến ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vay vốn và những giao dịch trong tương lai. 

Vậy nợ xấu trên CIC là gì? Hôm nay hãy để Upkynang giải đáp nỗi lo này của bạn và hướng dẫn cách xóa nợ xấu trên CIC chi tiết.

CIC là gì?

CIC là viết tắt của một từ tiếng Anh (Credit Information Center) có nghĩa là Trung tâm Thông tin Tín dụng. Đây là một đơn vị hành chính thuộc quyền quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

CIC là gì?

Chức năng chính của CIC là làm đầu mối cho các hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, bao gồm:

  • Cung cấp thông tin tín dụng cho Ngân hàng Nhà nước;
  • Xử lý, lưu giữ và bảo mật thông tin tín dụng;
  • Khai thác, sử dụng dịch vụ và sản phẩm thông tin tín dụng;
  • Đưa ra các dự báo về tình hình tài chính tín dụng cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

CIC hoạt động với mục đích chính là hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý, giám sát hoạt động Ngân hàng và bảo đảm an toàn hệ thống Ngân hàng Việt Nam.

Hệ thống CIC góp phần hỗ trợ các ngân hàng đưa ra quyết định có duyệt đăng ký khoản vay của khách hàng hay không thông qua việc kiểm tra thông tin, đảm bảo lịch sử vay của người đi vay không tồn đọng nợ xấu.

Nợ xấu trên CIC là gì?

Nợ xấu trên CIC là gì?

Nợ xấu trên CIC là các khoản nợ mà người đi vay không thanh toán đúng thời hạn đã cam kết ban đầu với bên ngân hàng. Nếu khoản nợ không được thanh toán quá thời hạn 90 ngày sẽ được coi là nợ xấu.

Những người dính nợ xấu này sẽ bị liệt kê vào danh sách khách hàng nợ xấu trên hệ thống Trung tâm Thông tin Tín dụng của Việt Nam (CIC).

Tình trạng nợ xấu trên CIC không chỉ ảnh hưởng đến tài chính cá nhân của người đi vay mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến điểm tín dụng và  khả năng vay vốn trong tương lai.

Phân loại các nhóm nợ xấu trên CIC

Không phải cứ có thông tin nợ trên hệ thống CIC là bạn sẽ hoàn toàn mất đi cơ hội vay vốn khác trong tương lai. Nợ xấu trên CIC được chia thành 5 nhóm bao gồm:

  • Nợ nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn): Đây là khoản nợ còn trong hạn và có khả năng thu hồi cả gốc lẫn lãi đúng thời hạn. Nếu quá hạn dưới 10 ngày, khoản nợ này vẫn được tính trong nhóm nợ đủ tiêu chuẩn nhưng sẽ chịu mức phạt lãi quá hạn là 150%.
  • Nợ nhóm 2 (Nợ cần chú ý): Người đi vay được xếp vào nhóm này thường có các khoản nợ quá hạn từ 10 đến dưới 90 ngày.
  • Nợ nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn): Các khoản nợ này được xếp vào nhóm có rủi ro cao hơn với thời gian quá hạn từ 90 đến 180 ngày.
  • Nợ nhóm 4 (Nợ có nghi ngờ): Những khoản nợ chưa được thanh toán từ 181 đến 360 ngày sẽ được Ngân hàng đánh giá vào nhóm 4.
  • Nợ nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn): Các khoản nợ được xếp vào nhóm này là các khoản nợ đã quá hạn thanh toán trên 360 ngày.  

Những người đi vay thuộc nhóm 1 thường vẫn có khả năng đi vay trong tương lai với tỉ lệ thành công cao. Sang đến nhóm 2, tỉ lệ đi vay sẽ trở nên thấp hơn do có nguy cơ chuyển thành nhóm nợ xấu. 

Đối với những người đi vay thuộc nhóm 3, 4, 5 bị Ngân hàng đánh giá thuộc nhóm nợ xấu, cần theo dõi và khó có thể vay ngân hàng trong tương lai. 

Những thông tin về các khoản nợ này đều sẽ được cập nhật và lưu trữ để dễ dàng khai thác trên CIC.

Ảnh hưởng của nợ xấu đến người đi vay

Nợ xấu không chỉ ảnh hưởng đến bản thân của người đi vay mà còn ảnh hưởng ít nhiều đến những người thân xung quanh. Một số ảnh hưởng của nợ xấu có thể liệt kê như sau:

  • Sau khi ngân hàng đối chiếu được thông tin các khoản nợ xấu trên CIC, người đi vay sẽ không thể tiếp tục nguồn vay vốn tại các ngân hàng được nữa.
  • Những người thuộc nhóm nợ xấu không thể tiếp tục sử dụng thẻ tín dụng bởi ngân hàng không cấp thêm hạn mức tín dụng để có thể chi tiêu.
  • Nợ xấu còn gây ảnh hưởng đến điểm xếp hạng công dân. Những người có lịch sử nợ xấu sẽ bị trừ điểm tín dụng trong hệ thống xếp hạng công dân.
  • Đối với những khách hàng vay thế chấp, nợ xấu cũng khiến những người đi vay có nguy cơ bị mất tài sản đảm bảo của mình.
  • Người thân cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những người có nợ xấu này. Một vài trường hợp người thân không thể vay mua trả góp do người thân của mình có lịch sử nợ xấu.

Thời gian lưu trữ lịch sử nợ xấu trên CIC

Theo quy định, lịch sử nợ xấu trên CIC của người đi vay sẽ được cung cấp trong thời gian tối đa 5 năm. Sau khoảng thời gian này, khách hàng có thể tiếp tục đi vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, khả năng được duyệt khoản vay là rất thấp.

Đối với những khoản vay quá hạn dưới 10 triệu đồng, dựa theo chính sách cung cấp thông tin của CIC, lịch sử nợ xấu sẽ được xóa ngay khi tất toán khoản vay và được ngân hàng báo lên hệ thống CIC.

Cách kiểm tra nợ xấu trên CIC

Hiểu được về những nhóm nợ xấu và ảnh hưởng tiêu cực của nợ xấu. Vậy làm thế nào để biết mình có nằm trong danh sách nợ xấu của CIC hay không? Dưới đây là cách kiểm tra nhanh chóng nhất để bạn tự tra cứu tình trạng nợ xấu của mình.

Kiểm tra nợ xấu qua website

Bước 1: Truy cập vào website chính thức của CIC: https://cic.gov.vn/#/ 

  • Nếu đã có tài khoản, nhấn vào “Đăng nhập” ở góc phải màn hình.
  • Nếu chưa có tài khoản, tiến hành đăng ký tài khoản cá nhân theo các bước tiếp theo.

Kiểm tra nợ xấu trên CIC qua website

Bước 2: Chọn mục “Đăng ký”, điền đầy đủ thông tin cá nhân được yêu cầu rồi nhấn “Tiếp tục”.

Bước 3: Xác thực thông tin bằng cách cung cấp email hoặc qua số điện thoại đăng ký.

Bước 4: Xác thực tài khoản: 

Sau khi được xác thực thông tin, CIC sẽ gửi mail thông báo xác nhận sau 1-3 ngày nhận được yêu cầu.

Bước 5: Khai thác báo cáo:

Tiến hành đăng nhập lại vào hệ thống CIC sau khi tài khoản được xác thực, chọn “Khai thác báo cáo” để kiểm tra nợ xấu.

Kiểm tra nợ xấu qua ứng dụng iCIC

Kiểm tra nợ xấu trên CIC qua ứng dụng iCIC

Bước 1: Cài đặt ứng dụng iCIC về máy điện thoại.

Bước 2: Đăng ký tài khoản hoặc đăng nhập nếu đã có tài khoản. Các bước đăng ký mới tài khoản giống như trên website.

Bước 3: Thực hiện tra cứu thông tin qua mục “Kiểm tra CIC”.

Cách xóa nợ xấu trên CIC

Sau khi đã xác định được tình trạng nợ xấu của mình, bạn đang tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi: “Làm thế nào để xóa tên khỏi danh sách nợ xấu này? ”

Cách xóa nợ xấu trên CIC

Cách nhanh nhất để xóa nợ xấu trên CIC chỉ có thể là thanh toán hết các khoản nợ gốc và lãi suất còn tồn đọng lại. Dưới đây là cách thức chi tiết để xóa bỏ nợ xấu trên CIC:

Đối với khoản nợ dưới 10 triệu đồng

Theo như Khoản 1, Điều 11 Thông tư số 03/2013/TT-NHNN của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ ngày 01.12.2014, đối với những khoản vay quá hạn dưới 10 triệu ngay sau khi thanh toán hết sẽ được xóa bỏ lịch sử nợ xấu trên hệ thống CIC.

Đối với những khoản nợ trên 10 triệu đồng

Khách hàng sắp xếp thanh toán khoản vay để tránh phát sinh lãi suất quá hạn.

Sau khi đã hoàn tất việc thanh toán khoản nợ, người vay cần chủ động thông báo với bên ngân hàng để tất toán khoản vay. Nếu cần thiết, khách hàng có thể nhờ nhân viên làm biên bản xác nhận về việc đã thanh toán khoản nợ quá hạn và lý do phát sinh khoản nợ xấu này.

Thời gian để xóa nợ xấu nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5 trên CIC là 5 năm. Điều này đồng nghĩa với việc dù đã thanh toán xong hết nhưng khách hàng vẫn không thể được xóa nợ ngay mà vẫn cần phải chờ đến hết 5 năm mới được xóa hết lịch sử nợ xấu. Sau khoảng thời gian này, người vay có thể tiếp tục đề nghị vay vốn.

Lưu ý khi đi vay để tránh nợ xấu trên CIC

Để tránh rơi vào tình trạng nợ xấu, ảnh hưởng đến các giao dịch tài chính sau này của bạn, cần lưu ý kỹ những điều sau trước khi đưa ra quyết định vay vốn:

  • Nắm rõ được các điều khoản vay trước khi ký bất kỳ hợp đồng vay nào;
  • Lựa chọn hạn mức vay, lãi suất và thời gian hợp lý, phù hợp với khả năng chi trả của mình;
  • Kiểm tra CIC định kỳ để đảm bảo không có sai sót về thông tin nợ xấu;
  • Có một kế hoạch chi trả hợp lý hàng tháng để tránh việc thanh toán muộn dẫn đến tình trạng nợ xấu và ảnh hưởng đến điểm tín dụng của bản thân trên CIC. 

Kết luận

Việc hiểu rõ về nợ xấu, những ảnh hưởng của nợ xấu và cách để xóa bỏ nợ xấu trên CIC là vô cùng cần thiết cho những người đã vay và đang có ý định đi vay. Đồng thời qua bài viết này Upkynang cũng mách bạn một vài lưu ý nhỏ để tránh tình trạng nợ xấu trên CIC.

Hãy chắc chắn rằng bạn luôn thanh toán đầy đủ và đúng hạn để không ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng và các giao dịch tài chính trong tương lai của mình.